Với tính chất ổn định và rủi ro thấp, gửi tiết kiệm ngân hàng được nhiều người Việt Nam lựa chọn. Ưu điểm của hình thức này là thanh khoản cao, kỳ hạn linh hoạt...Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi tiết kiệm thường thấp hơn so với các kênh đầu tư khác.
Theo các chuyên gia tài chính, lãi suất thực dương tiền gửi tại Việt Nam trong 10 năm qua vào khoảng trên dưới 3%/năm, tức lãi suất danh nghĩa khoảng 7-8% đã trừ đi lạm phát 4-4,5%. Trên thực tế, tỷ lệ lạm phát có thể cao hơn.
Nếu so sánh tốc độ tăng lãi suất trung bình của kênh tiền gửi với giá nhà đất trên thị trường thì có độ vênh nhất định. Ví dụ, nếu gửi tiết kiệm 4 tỷ trong 10 năm với lãi suất trung bình 7%/năm, sau 10 năm sẽ có 6,8 tỷ đồng. Trong khi đó, với tốc độ tăng trung bình của giá nhà đất khoảng 10% mỗi năm theo báo cáo của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam tính từ 2014 - 2021, 10 năm sau giá ngôi nhà đã lên tới gần 8 tỷ đồng.
Do đó, nhà đầu tư khó có thể xây dựng khối tài sản lớn nếu chỉ gửi tiết kiệm trong dài hạn. Vì thế, nhà đầu tư nên căn nhắc mục tiêu tài chính, khẩu vị đầu tư để phân bổ tài sản phù hợp.
Nên gửi tiết kiệm kỳ hạn bao lâu?
Căn cứ vào nhu cầu sử dụng số tiền gửi tiết kiệm, nhà đầu tư sẽ có lựa chọn kỳ hạn thích hợp.
- Nếu 3 - 5 tháng tới có nhu cầu sử dụng gói tiết kiệm thường xuyên thì gửi kỳ hạn 1 tháng là hợp lý nhất. Bởi hầu hết các ngân hàng đều áp dụng mức lãi suất tương đương nhau với kỳ hạn 1 - 3 tháng. Hết 1 tháng, người gửi được rút cả gốc lẫn lãi và quyết định có tiếp tục gửi hay không. Khi đó, khách hàng vừa nhận được tiền lãi vừa có tiền sử dụng cho mục đích khác.
- Nếu chưa sử dụng đến khoản tiền tiết kiệm trong khoảng 6 - 7 tháng thì nên gửi kỳ hạn 6 tháng. Mức lãi suất của kỳ hạn 6 tháng thường cao hơn kỳ hạn 1 tháng, 3 hoặc 5 tháng.
- Nếu trong 1 năm tới chưa dùng đến khoản tiền tiết kiệm thì nên lựa chọn gửi kỳ hạn 12 tháng (tức 1 năm). Đây là mức lãi suất lý tưởng, thậm chí nhiều ngân hàng còn áp dụng chính sách ưu đãi cộng thêm lãi suất để khuyến khích người dùng gửi tiết kiệm.