Dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến nguồn cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) lớn trong chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ toàn cầu. Song đây là cơ hội để DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tận dụng để chuyển mình. Vấn đề hiện nay là DN trong nước cần phát huy nội lực để đáp ứng nhu cầu của nhà mua hàng.
Tập đoàn lớn tìm nguồn kiếm nguồn cung trong nước
Công ty TNHH Techtronic Industries Việt Nam Manufacturing (gọi tắt là Tập đoàn TTI) của Mỹ, chuyên sản xuất thiết bị điện không dây đã có mặt ở Việt Nam hơn 3 năm nay. Tập đoàn TTI xác định sử dụng 80% sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước, song đến nay tỷ lệ này chỉ đạt 40%, số còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ.
Đợt dịch bệnh vừa rồi, tập đoàn này bị ảnh hưởng đến nguồn cung, nhất là chi phí logistics tăng rất cao. Chính vì thế, Tập đoàn TTI đang tăng cường tìm kiếm hơn 300 nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ trong nước để cung ứng hàng ngàn chi tiết, linh kiện.
Không chỉ Tập đoàn TTI, hàng chục doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Samsung, Panasonics, Bosch, Juki, Towa… cũng đang tìm kiếm nhà cung ứng công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn hạn chế.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP.HCM cho biết, đã 3 năm nay chưa tìm được nhà cung cấp linh kiện trong nước, nhất là các linh kiện phức tạp.
“Bosch đã tìm 3 năm nay nhưng chưa có DN công nghiệp hỗ trợ nào trong nước đủ điều kiện cung ứng. Bosch sẵn sàng làm 3 việc hỗ trợ DN như hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất; hướng dẫn đầu tư thiết bị, máy móc và đồng hành với DN trong quá trình sản xuất nhưng chưa có DN nào trong nước làm được. DN Việt Nam chỉ làm một phần linh kiện riêng rời, nếu làm cả 3 phần như vừa nhiệt vừa kim loại vừa cơ khí, điện tử thì rất khó có doanh nghiệp nào hiện nay làm được”, bà Oanh nói.
Khó khăn về công nghệ và nguồn vốn
Để đáp ứng nhu cầu của tập đoàn lớn về nguồn cung ứng công nghiệp hỗ trợ, DN trong nước phải đáp ứng được công nghệ sản xuất. Ông Đỗ Phước Tống, Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh cho biết, công ty đang đầu tư nhà máy mới ở khu Công nghệ cao với hơn 180 tỷ đồng để sản xuất linh kiện, thiết bị mới cung cấp cho các doanh nghiệp FDI. Đó là linh kiện trong bộ phận chuyển động số, sản xuất bằng công nghệ mới. Linh kiện này chưa có DN nào trong nước sản xuất nên các doanh nghiệp FDI phải nhập khẩu.
“DN có rất nhiều nhà mua hàng, nếu DN làm tốt về chất lượng và sản lượng có thể không đủ cung cấp cho các doanh nghiệp FDI trong nước. Biết DN mình đang xây dựng nhà máy, nhiều DN FDI đã gửi thông tin, bảng vẽ để mình chào giá và thương thảo, khi nhà máy hoạt động có thể cung cấp hàng cho họ”, ông Đỗ Phước Tống chia sẻ.
Khó khăn hiện nay của các DN công nghiệp hỗ trợ ở TP.HCM đa số là DN nhỏ, rất hạn chế về vốn để đầu tư đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, sự thua thiệt về giá bán do nhiều sản phẩm chúng ta chưa chủ động được nguyên liệu dẫn tới sự thua thiệt trong cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Hoàng Nhật Linh - Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Tín Hòa (Sino Corporation) cho biết, một số tập đoàn lớn đã đến làm việc tại nhà máy của công ty, có những giai đoạn khi đã khớp xong mọi vấn đề liên quan đến các tiêu chí kỹ thuật và sản phẩm hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu, nhưng họ lại quay sang làm việc với các nhà cung ứng từ Trung Quốc. “Họ mua ngược hàng từ Trung Quốc cấp cho các nhà máy tại Việt Nam”, ông Linh phàn nàn.
Theo thống kê, tỷ lệ nội địa hóa công nghiệp hỗ trợ của TP.HCM mới đạt khoảng 65%. Để đẩy mạnh lĩnh vực này phát triển, TP.HCM khẳng định hỗ trợ DN trong đổi mới công nghệ, mặt bằng sản xuất. Thành phố đang hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 300 ha.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố sẽ có chính sách ưu tiên hỗ trợ vốn kích cầu và chính sách về thuế, hải quan… nếu DN đổi mới công nghệ về công nghiệp hỗ trợ.
“Ngay từ bây giờ, DN nên chuyển đổi toàn bộ quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, đào tạo người lao động để trong vài năm tới thay đổi toàn bộ nền sản xuất, các thiết bị sản xuất, quy trình sản xuất. Chúng ta có thể đầu tư những máy, thiết bị để sản xuất ra những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao”, ông Hoan mong muốn.
Hiện nay, nhiều DN đã tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ. Đợt dịch Covid-19 trên toàn cầu tạo cơ hội để lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, để tận dụng thời cơ này, các DN cần phát huy nội lực của mình để đáp ứng được nhu cầu của các tập đoàn lớn về công nghiệp hỗ trợ./.