Không ít doanh nghiệp bất động sản đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ qua, vì khó tiếp cận vốn tín dụng. Kênh phát hành trái phiếu huy động bị chậm lại. Vướng mắc về hành lang pháp lý khiến doanh nghiệp khó triển khai dự án mới. Vì vậy, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc này đang là nhiệm vụ rất quan trọng.
Khu đất tại huyện Thạch Thất, Hà Nội đã từng là điểm mua bán nhộn nhịp cách đây hơn 1 năm, nhưng nay, giao dịch gần như vắng vẻ. Các môi giới cho biết, từ tháng 4, rất ít người người hỏi mua. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều khu vực khác. Lý do là vì ngân hàng hạn chế cho vay.
"Hạn chế cho vay, ngày trước cho vay 24 tháng, giờ cho vay 12 tháng, điều này tác động rất mạnh tới bất động sản", bà Nguyễn Thanh Tuyền, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Bất động sản Trường Phát, cho biết.
Một số ngân hàng đã hạn chế cho vay với bất động sản. Trong khi đó, theo một thống kê, 70% người đi mua nhà đất cần tới tiền vay ngân hàng, dù là mua để ở hay đầu cơ. Khó tiếp cận được vốn ngân hàng được xem là nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng gây khó khăn cả cho người mua nhà đất lẫn các nhà đầu tư bất động sản.
"Ngân hàng người ta khó có thể phân định được đâu là người mua thật sự, đâu là người đầu cơ", anh Nguyễn Ngọc Hà, TP Hà Nội, chia sẻ.
"Điều chỉnh tín dụng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc huy động nguồn tài chính cho các chủ đầu tư, tạo ra tâm lý quan ngại cho chính các nhà đầu tư", ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Trưởng Bộ phận Tiếp Thị Dự án nhà ở, Công ty CBRE Việt Nam, đánh giá.
Các chuyên gia cho rằng cần phải tháo gỡ điểm nghẽn về vốn cho thị trường bất động sản qua cả 2 kênh tín dụng lẫn trái phiếu và không nên siết, thắt chặt vốn - trái phiếu hay tín dụng đối với những loại hình bất động sản hợp lý và nhu cầu thật.
"Bộ Xây dựng nên phân loại các loại hình bất động sản để từ đó các chính sách cả tiền tệ và tài khóa sẽ có những ứng xử phù hợp. Các nước họ cũng đã có cách làm như vậy", TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia, nhận định.
Từ đầu năm đến nay, tín dụng bất động sản tăng trên 12,3% so với mức tăng trưởng tín dụng chung của cả nền kinh tế là 9,33%. Mục tiêu kiểm soát lạm phát đang là một nhiệm vụ quan trọng được Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đề xuất ngoài khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các dự án đáp ứng nhu cầu thật, các cơ quan quản lý cũng cần tháo gỡ điểm nghẽn khác như minh bạch hóa chính sách, cơ chế nhằm tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững./.