Nơi làm tốt, nơi không
Tại TP Hồ Chí Minh, kể từ đầu mùa dịch lần thứ tư bùng phát (27/4), thành phố đã và đang triển khai 3 gói (3 đợt) hỗ trợ người dân. Đợt 1, triển khai đầu tháng 7/2021 hỗ trợ khoảng 370.000 người, ưu tiên lao động tự do (1,5 triệu đồng/người) với số tiền khoảng 886 tỷ đồng. Ở đợt 2 vào đầu tháng 8/2021, hỗ trợ cho hơn 1,2 triệu hộ nghèo, lao động khó khăn, hơn 1 triệu lao động tự do với gần 3.500 tỷ đồng.
Đợt 3, triển khai từ cuối tháng 9/2021, dự kiến đến ngày 15/10 sẽ hỗ trợ hơn 7.300 tỷ đồng, với hơn 6,5 triệu người, số tiền hỗ trợ 1 triệu đồng/người, không phân biệt thường trú, tạm trú hay lưu trú. Tuy nhiên đến thời điểm này, thành phố chỉ mới hỗ trợ được khoảng 5,1 triệu người, số người còn lại đến ngày 22/10 giải quyết dứt điểm.
Có những nơi làm khá tốt công tác chi hỗ trợ cả 3 đợt, như tại phường 1, quận 6. Bà Nguyễn Thị Nhàn, Bí thư Đảng ủy phường, cho biết từ việc lập danh sách tại tổ dân phố đến khi bình xét đều dựa vào các tiêu chí, sau đó cảnh sát khu vực kiểm tra lại lần nữa rồi thông qua hội đồng. Cả 2 đợt hỗ trợ trước (Gói 1 và 2), địa phương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đối với gói hỗ trợ đợt 3, toàn địa bàn phường có 7.304 trường hợp được hỗ trợ, đến nay đã chi cho 7.264 người, đạt 99,45%. Số 40 người còn lại chưa chi được vì khi thành phố vừa thực hiện Chỉ thị 18, có một số người về quê tránh dịch, nhận ở nơi khác và tử vong vì Covid-19.
Bà Phạm Thị Mộng Cầm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 1, quận 6 (TP Hồ Chí Minh) đến tận nhà người dân để phát gói hỗ trợ đợt 3.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng làm được như phường 1, quận 6. Bởi có rất nhiều người ở nhiều quận, huyện… phản ánh ngay đợt hỗ trợ theo gói 1 và 2, việc hỗ trợ không công bằng, nhiều người lao động tự do như bán hàng rong, may gia công… không được hỗ trợ.
Đơn cử trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Tính ở tổ 23 ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn chỉ được nhận 1 triệu đồng/người của gói hỗ trợ thứ 3 vào hôm 18/10. Trong khi gia đình có 5 người, chồng bán hàng rong (rau củ quả ngoài lề đường ở chợ Tân Bình), 3 con (16 tháng tuổi, 9 tuổi, còn cháu 14 tuổi bị não bẩm sinh, nằm một chỗ).
Tương tự là trường hợp gia đình chị Đoàn Thị Tuyết Trinh cũng ở tổ dân phố 23, vợ chồng cùng thất nghiệp phải nuôi 2 con nhỏ (bé hơn 4 tuổi, bé 6 tháng tuổi) cũng chỉ được nhận hỗ trợ của gói 3 (1 triệu đồng/người) vào hôm 18/10.
Ông Trần Hậu, tổ trưởng dân phố 23, xã Xuân Thới Thượng, cho biết trong tổ có 125 hộ, trong đó có có gần 40 hộ ở nhà trọ, họ khó khăn hơn gia đình chị Tính, chị Trinh. Tôi đã làm tất cả, khi nhà hảo tâm cho quà, tôi cũng ưu tiên 2 gia đình này. Bản thân làm tổ trưởng nhưng gia đình tôi cũng chưa có gì. Còn vì sao gói hỗ trợ thứ 3 cho đến nay vẫn còn nhiều người tại địa phương chưa nhận được vì số lượng quá nhiều làm không kịp.
Quá nhiều nguyên nhân khiến dân không được hỗ trợ
Tương tự tại nhiều địa phương khác vẫn còn rất nhiều người đến nay không nhận được gói hỗ trợ nào. Đơn cử trường hợp anh Nguyễn Văn Phương, hành nghề cắt tóc, tạm trú số 639/46/16 Hương lộ 2, tổ 66 khu phố 7, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, cho biết khi thấy nhiều người trong khu vực nhận được gói an sinh, anh có gọi tổng đài 1022 nhưng không được hỗ trợ. Đến gói hỗ trợ thứ 3, gia đình anh có 3 người vẫn chưa được nhận đồng nào!
Bà Nguyễn Thị Hương, tổ trưởng dân phố 66, cho biết gia đình anh Phương mướn nhà, không biết cắt tóc ở đâu. Đợt 3, tôi có nói ghi tên nhưng anh Phương chỉ ghi một người, thì làm sao nói có vợ và một con. Trong tổ 66 có 70 phòng trọ, 99 hộ dân với 584 nhân khẩu, nhưng rất nhiều người khi đến ở trọ không đăng ký tạm trú, đến khi nghe được nhận tiền mới nườm nượp ra đăng ký, lúc đó danh sách đã nộp về phường.
Trong công tác chi hỗ trợ cho người dân tại phường 1, quận 6 (TP Hồ Chí Minh), có cả Cảnh sát khu vực tham gia.
Còn trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Lời, ngụ số 47/9 Hòa Bình, tổ 49 khu phố 5, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, làm nghề giúp việc nhà, chồng bị tai biến không thể lao động. Nhưng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đến nay chị Lời chỉ mới được hỗ trợ 1 triệu đồng của gói 3, còn gói 1 và 2 hoàn toàn không. Về trường hợp này, chị Phạm Thị Ngọc Giàu (Con của ông Phạm Văn Tuấn, tổ trưởng dân phố), trả lời: “Tổ dân phố có 50 hộ với trên 300 người thường trú, số tạm trú trên 200 người, có 90 nhà trọ. Thời điểm gói hỗ trợ 1 và 2, tổ dân phố có đi lập danh sách từng nhà, lúc đó chị Lời vẫn còn đi làm. Đến khi giãn cách xã hội phải ở nhà, thì chị Lời cũng không đăng ký, trong khi UBND phường ra thời hạn nộp danh sách nên tổ dân phố không thể chờ mỗi một người, vì thời hạn đăng ký có hạn. Đối với gói hỗ trợ thứ 3, chồng và con chị Lời đăng ký sau nên chưa nhận được tiền, chứ không phải không có”.
Đối với trường hợp hai anh em Nguyễn Hữu Nghĩa, Nguyễn Hữu Trọng, ở trọ tại 23/41 đường TA16, tổ 8 khu phố 6, phường Thới An, quận 12, làm thuê và chạy xe ôm công nghệ, cũng không nhận được bất cứ hỗ trợ nào kể từ mùa dịch Covid-19 lần thứ tư. Khi được hỏi, bà Phạm Thị Thủy, tổ phó dân phố 8, cho biết phường Thới An được phân bổ khoảng 40 tỷ, chỉ mới nhận được 23 tỷ nên phát theo dạng cuốn chiếu từng tổ. Do đó những tổ còn lại chưa có tiền. Riêng tổ 8 có gần 1.800 nhân khẩu, đối với nhà 23/41 đường TA16 không thuộc diện khó khăn nên không được nhận trợ cấp và gói an sinh.
Cứ thân, quen là được hỗ trợ!
Liên quan đến những ta thán của người dân về các gói hỗ trợ phân phát không công bằng, theo nguồn tin của phóng viên có gia đình chồng làm giám đốc, vợ kinh doanh mỹ phẩm, thuê phòng ở tại Chung cư Tín Phong, phường Tân Thới Nhất, quận 12, nhưng do thân quen với ai đó nên ghi nghề nghiệp… bán hàng rong, được nhận tiền hỗ trợ, trong khi nhiều gia đình khác tại chung cư này khó khăn hơn lại không được! Mặc dù phóng viên đã gọi điện và nhắn tin hỏi một Phó Chủ tịch UBND phường này, nhưng không nhận được trả lời!
Tình trạng không công bằng trong hỗ trợ, thể hiện rõ nét nhất khi Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) khởi tố bắt tạm giam ông Huỳnh Hồng Sơn (SN 1970, cán bộ mảng Lao động - Thương binh và xã hội, thành viên Hội đồng thẩm định của UBND phường Phú Hữu) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” khi lồng ghép người thân, quen vào danh sách được nhận tiền hỗ trợ khó khăn vì Covid-19, theo gói Nghị quyết 09 của HĐND TP Hồ Chí Minh.
Hay việc bắt giam Phan Thanh Minh (SN 1983, Phó trưởng Ban điều hành khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân ăn chặn tiền Nhà nước hỗ trợ cho Nhân dân đã khẳng định việc không công bằng, tiêu cực trong công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.
Chính vì những tiêu cực, bất công, thiên vị… của một số cán bộ địa phương nên khi TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Chỉ thị 18, ngay tối 30/9, hàng trăm nghìn người sinh sống, lao động tại thành phố đã lũ lượt rời nơi tạo cho họ công ăn, việc làm để trở về quê hương ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Trung và phía Bắc. Do đó, không thể nói “chưa có ai thiếu ăn, khốn khổ vì dịch” như lời ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh.
Theo Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh, cả 3 đợt hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, thành phố chi tổng số tiền trên 12.000 tỷ đồng. Đối với gói hỗ trợ thứ 3, đến nay đã có 11 quận, huyện phát tiền cho dân đạt trên 90%; 6 quận, huyện đạt trên 80%; 5 quận, huyện đạt từ 60% – 70%. Số người chưa được nhận 1 triệu đồng của gói thứ 3, thành phố sẽ giải ngân xong vào ngày 22/10.