Thời điểm tiệm cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhóm PV VTC News có chuyến thực tế, nắm bắt tình hình tại hàng loạt các địa điểm bày bán hoa, cây cảnh ở một số tỉnh, thành của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Tại Quảng Nam, điểm quy tụ hoa, cây cảnh lớn nhất của địa phương này trong dịp Tết là Trung tâm Văn hóa tỉnh mấy ngày qua chìm trong không khí ảm đạm. Bởi lẽ, tiểu thương cùng lượng hoa, cây cảnh tham gia chợ Tết dù nhiều không kém mọi năm nhưng lượng người mua thì lác đác.
Vụ Tết năm nay, ông Nguyễn Sáu cùng em trai của mình thuê 3 lô (mỗi lô 6 triệu đồng) ở Trung tâm Văn hoá tỉnh để bán hoa cúc, mai và thược dược.
Theo ông Sáu, hai anh em đầu tư mua 150 chậu hoa cúc, 100 chậu hoa mai và 100 chậu thược dược của bà con nông dân địa phương để bày bán. Tuy nhiên, gần một tuần nay, lượng hoa bán đi chưa tới 20 chậu.
“Phần lớn khách tới hỏi giá rồi rời đi chứ không mua. Mọi năm, tầm 25 Tết là tôi bán gần hết hàng rồi, vậy mà năm nay vẫn đang thấp thỏm vì ế ẩm. Nếu tình hình này tiếp diễn thì tôi sẽ bán tống bán tháo toàn bộ số cây còn lại với giá thấp hơn với hy vọng gỡ gạc được đồng vốn nào hay đồng nấy", ông Sáu buồn rầu nói.
Tương tự anh em ông Sáu, anh Nguyễn Đắc Khánh (26 tuổi, trú phường Trường Xuân, TP Tam Kỳ) cũng đang lo sốt vó vì gần cả trăm chậu quất vẫn "chôn chân" tại điểm bày bán.
"Cũng vì dịch bệnh mà tôi chỉ nhập 100 chậu quất từ TP Hội An để bán trong dịp Tết (giảm một nửa so với năm ngoái).
Quất năm nay giá tương đối thấp. Đơn cử như chậu quất trung năm trước có giá tầm 2,5 triệu đồng thì năm nay chỉ xấp xỉ 2 triệu đồng, vậy mà vẫn khan hiếm người mua”, anh Khánh chia sẻ.
Tại Đà Nẵng, dù đã bước sang ngày 25 tháng Chạp song không khí tại chợ hoa Xuân ở Quảng trường 2/9 trầm lắng.
Dẫu thương lái và chủ vườn cung ứng các loài hoa đa dạng, phong phú để phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhưng lượng người đến chợ mua hoa rất ít.
Anh Trần Thành, người chuyên mua quất cảnh từ các nhà vườn tại Hội An, Quảng Nam để vận chuyển về chợ hoa Xuân Đà Nẵng bán, cho biết, năm nay anh không dám đặt hàng nhiều như mọi năm.
“Tầm này năm trước, tôi đã nhập đến đợt hàng thứ 4, thứ 5 nhưng năm nay đợt hàng thứ 2 vẫn chưa bán hết. Quất cảnh năm nay đẹp nhưng do dịch bệnh, kinh tế khó khăn nên sức mua của người dân hạn chế”, anh Thành thông tin thêm.
Tương tự, những chủ đầu nậu chuyên buôn quất cảnh chưng Tết tại chợ hoa Xuân Đà Nẵng cũng đang khá lo lắng vì hàng tiêu thụ rất chậm, người xem thì nhiều nhưng người mua rất ít. Tiền đã giao cho các chủ vườn, cây chuyển về phố không tiêu thụ được, nguy cơ thua lỗ đang hiện diện trước mắt.
“Giá hoa Tết năm nay khá mềm nhưng sức tiêu thụ rất yếu. Nguyên do là cả năm dịch bệnh, làm ăn khó khăn nên người dân cũng phải cân đo đong đếm khi bỏ tiền mua hoa chưng Tết. Những cây quất lớn, có giá cao gần như không bán được. Những cây ở mức giá tầm 500 nghìn đến 1 triệu đồng thì bán lai rai”, chị Hồng, chủ lô quất tại chợ hoa Xuân, giãi bày.
Có thâm niên hơn 10 năm cung cấp cúc chưng Tết cho thị trường tại chợ hoa Xuân Đà Nẵng nhưng năm nay có lẽ là năm buồn nhất với anh Lê Thanh Minh. Mấy trăm chậu cúc mà anh chuyển về đây đã gần 1 tuần nhưng mới bán được vài chục chậu.
“Giá hoa cúc năm nay không cao, bình quân 400 nghìn đồng/cặp nhỏ, 800 nghìn đến 1 triệu đồng/cặp lớn. Từ hôm chuyển hàng về chợ, đến nay tôi mới bán được vài chục cặp loại nhỏ, một số cặp loại trung, còn loại lớn thì không có người mua. Chưa năm nào chợ hoa Tết ảm đạm như năm nay”, anh Minh bộc bạch.
Dù nhiều tiểu thương đã “cố tình” mang hoa và cây cảnh bày bán sớm song tình hình dịch COVID-19 cùng sức mua giảm khiến chợ hoa Tết ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai rơi vào tình cảnh đìu hiu, ế ẩm chưa từng thấy. Các gian hàng chủ đạo như hoa mai, đào, cúc, quất cũng vắng lặng như tờ.
Dù đã 25-26 Tết nhưng tại các chợ hoa Xuân chỉ thưa thớt một vài người đến xem, khung cảnh đìu hiu đến buồn bã. Nhiều tiểu thương bộc lộ sự rầu rĩ trên khuôn mặt của mình. Không ít người băn khoăn bởi không biết lấy tiền đâu để trả chi phí mặt bằng, thuê khung rạp, vận chuyển, nhân công...
Vừa bán xong chậu hoa giấy tạo dáng bonsai với giá 900 nghìn đồng cho khách, ông Đồng Văn Lâu (trú phường An Phú) than thở: “Tôi bán cây cảnh dịp Tết cũng đã được 5 năm rồi. Tầm này của những năm trước, người dân đã tới mua gần hết. Năm nay tôi và nhiều tiểu thương khác đã chủ động mang hoa ra bày bán sớm hơn nhưng lại vắng khách”.
Tương tự, tại địa điểm bán cây, hoa cảnh ở Suối Hội Phú (TP Pleiku), tình hình bán buôn cũng không mấy khả quan. Theo bà Trần Thị Thắm (trú phường Thắng Lợi), mấy năm trước, bà bán 1.200 chậu cúc, giá của mỗi chậu từ 300 nghìn cho tới 1 triệu đồng. Năm nay, hộ của bà quyết định chỉ đem bán 800 chậu với giá giảm rất sâu, song người mua lại lác đác.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kinh tế khó khăn khiến nhiều chợ hoa Tết ở Thừa Thiên - Huế rơi vào cảnh đìu hiu.
"Bày bán từ 20 tháng Chạp nhưng đến nay vẫn rất ít người đến mua. Hoa trồng ra thì đẹp nhưng để lâu quá thì sợ hoa quá lứa, nhiều người chỉ thích hoa vừa nở thôi", chị Mai - một người bán hoa tại chợ hoa Xuân TP Huế - nói.
Ông Nguyễn Văn Me (72 tuổi) - người có thâm niên hơn 20 năm bán hoa ở chợ hoa Xuân TP Huế - cho hay, chợ hoa năm nay giảm 40-50% sản lượng so với năm ngoái và người mua cũng không còn tấp nập, đông đúc như mọi năm.
Tại Quảng Bình, theo ghi nhận của PV, chợ hoa Xuân lớn nhất ở TP Đồng Hới đang bày bán nhiều loại hoa Tết như thược dược, lay ơn, cúc, hải đường, đào, quất... Nhiều tiểu thương cho rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhu cầu năm nay của khách hàng giảm rõ rệt. Ngoài ra, việc người dân lo ngại lui tới những nơi tập trung đông đúc cũng khiến việc tiêu thụ các sản phẩm chậm.
Anh Nguyễn Đức Tuấn (33 tuổi, một tiểu thương ở chợ hoa Xuân TP Đồng Hới) chia sẻ: “Năm nay tôi chỉ nhập về một số loại cây như đào, mai, cúc. Tôi không dám nhập hàng nhiều vì sợ bán không hết thì thua lỗ nặng. Còn với tình hình hiện tại, nếu gỡ được vốn thì quả là may rồi".
Tại Hà Tĩnh, thị trường dù sôi động với nhiều loại hoa, cây cảnh ở các vùng miền trong cả nước quy tụ về nhưng sức mua lại giảm mạnh.
Anh Cao Văn Tuấn (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) khá buồn vì sau gần một tuần bày bán cây cảnh nhưng chỉ bán được vỏn vẹn 7 cây. “Năm nay người mua cây cảnh rất ít, nếu so với mọi năm thì giảm 70%. Nếu gần Tết mà khách vẫn không có thì chúng tôi lỗ vốn hàng trăm triệu đồng”, anh Tuấn bộc bạch .
Trước tình hình bán buôn ế ẩm, rõ ràng nhiều tiểu thương đang phải đối mặt với viễn cảnh đón một cái Tết buồn vì thua lỗ.
Theo VTC