Bệnh nhân là người phụ nữ 47 tuổi ở Lai Châu, thường xuyên làm nương rẫy, tiếp xúc với môi trường đất, nước bẩn. Ba năm trước, chị phát hiện mu bàn chân trái xuất hiện một số tổn thương sẩn sùi, không ngứa, không đau, tiến tiển dần. Do không quá ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày nên chị không đi khám.
Năm 2021, chị thấy tổn thương tiến triển nhanh, những khối sùi lớn chiếm toàn bộ mu bàn chân, cẳng chân trái nên đi khám ở huyện, dùng thuốc được kê nhưng bệnh ngày càng nặng lên.
"Khi đến Bệnh viện Da liễu Trung ương, tổn thương của bệnh nhân đã ở mức mảng sùi kích thước lớn, chiếm toàn bộ mu chân, cẳng chân, lan đến đùi bẹn, gây biến dạng toàn bộ mu chân và 1/3 dưới cẳng chân trái", ThS.BS Lê Thị Hoài Thu, khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em, cho biết. Một số tổn thương còn chảy dịch, bốc mùi hôi, bệnh nhân đi lại khó khăn và hạn chế.
Người phụ nữ này được làm xét nghiệm nấm soi tươi tại tổn thương, xét nghiệm mô bệnh học và vi nấm nuôi cấy. Kết quả cho thấy chị mắc bệnh nấm Chromoblastomycosis.
Theo bác sĩ Thu, đây là một trong những bệnh nấm dưới da phổ biến nhất, thường gặp ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bệnh ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng và được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là "bệnh nhiệt đới bị lãng quên".
Nữ bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng nấm, áp lạnh bằng nitơ lỏng, đốt plasma tổn thương sùi to, chườm ấm hằng ngày, ngâm chân thuốc tím. Sau 3 tuần điều trị, tổn thương đã cải thiện rõ rệt, bệnh nhân được xuất viện và hẹn tái khám sau một tháng. Chị được tư vấn trang bị đầy đủ trang phục phòng hộ lao động, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất đá, nguồn nước không vệ sinh để không bị tái phát.
Dù vậy, bác sĩ Thu cho hay đây là bệnh lý nấm sâu của da và tổ chức dưới da, tổn thương lớn, lan tỏa, gây biến dạng chi, nên cần thời gian điều trị và quản lý kéo dài. Do đó, khi người bệnh có bất kỳ vấn đề về sức khỏe làn da, cần đi khám ngay, tránh những trường hợp đến khám quá muộn, gây chậm trễ trong điều trị và rất khó để hồi phục hoàn toàn.