Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk- VNM) được tổ chức chiều 25/4 theo hình thức trực tuyến. Rất nhiều nội dung về kế hoạch kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp, về cổ tức, giá cổ phiếu và vị thế công ty sữa lớn nhất Việt Nam… được cổ đông quan tâm và HĐQT chia sẻ thẳng thắn.
Giá cổ phiếu là vấn đề cổ đông, nhà đầu tư quan tâm tại đại hội. Khi cổ đông Sơn Tùng hỏi ban lãnh đạo Vinamilk đánh giá thế nào về giá cổ phiếu VNM hiện tại và vị thế của doanh nghiệp, bà Mai Kiều Liên nói: “Các bạn hỏi tôi về giá cổ phiếu của doanh nghiệp, nói thiệt là tôi chẳng bao giờ để ý giá cổ phiếu cả. Thực sự tôi có quá nhiều việc, nên cũng không có thời gian để xem giá cổ phiếu VNM lên hay xuống".
"Chúng tôi chỉ biết cố gắng vận hành sản xuất kinh doanh cho tốt, còn thị trường thế nào và mọi người kỳ vọng ra sao thì hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Chúng tôi phải cố gắng để doanh nghiệp phát triển, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng, đảm bảo lợi nhuận, đảm bảo cổ tức”, Tổng giám đốc Vinamilk chia sẻ.
Bà Liên cũng cho rằng, hiện giá cổ phiếu ở thị trường Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng, tác động. Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/4, thị giá VNM ở mức 64.700 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 1% so với ngày trước.
Về tăng trưởng trong quý I, bà Mai Kiều Liên cho biết ngành sữa nói riêng và sức mua của các ngành hàng tiêu dùng vẫn khó khăn. Riêng với sữa, thống kê của Nielsen cho thấy thị trường sữa của Việt Nam giảm 2,8% trong quý đầu năm này. Điều này cũng thể hiện ở sức mua. Tuy nhiên với Vinamilk thì thực tế khả quan, khi mức tăng trưởng mức 5%. Đáng chú ý, xuất khẩu sữa của doanh nghiệp tăng 14%.
Tính sơ bộ quý đầu năm, tổng doanh thu hợp nhất của Vinamilk tăng 1,2% so với cùng kỳ 2023, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 15,8%.
Phân tích riêng từng ngành hàng, CEO Vinamilk cho biết tăng trưởng ngành sữa giảm là ảnh hưởng từ sự giảm mạnh của sữa bột do tỷ lệ sinh giảm. Trong quý I/2024, sức mua sữa bột trẻ em tiếp tục giảm 20% so với quý I/2023. Và những doanh nghiệp đang chiếm thị phần sữa bột trẻ em lớn đang bị ảnh hưởng lớn. Nhưng cũng có nhiều sản phẩm đang có mức tăng tốt, như Vianmilk thì sữa chua uống, sữa hạt, sữa chua, sữa đặc có đường thì đang tăng tới 2 con số.
“Thị trường báo hiệu cho chúng ta thấy sức mua giảm, nhưng cũng đòi hỏi chúng ta thấy được cần tập trung vào ngành hàng nào để thắng được việc giảm sức mua này. Có ngành hàng khó nhưng cũng có ngành hàng thuận lợi. Cuối cùng là chúng ta cố gắng làm sao bù đắp được, để đi đến kết quả chung là tăng trưởng của doanh nghiệp đảm bảo”, bà Liên nói.
Về kế hoạch tăng trưởng, Vinamilk vẫn đặt mục tiêu doanh thu ngành sữa trong 3-5 năm tới tăng ở mức 5-10% tùy tình hình.
Bà Liên cũng cho biết khó tăng cổ tức như mong muốn của cổ đông, vì đã dành đến 91% lợi nhuận làm ra để chia cổ tức. Công ty cũng không được phép phát hành cổ phiếu cho người lao động.
HĐQT Vinamilk cho biết doanh nghiệp đang thực hiện tái cấu trúc, với chiến lược 5 năm.
Tái cấu trúc toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ tái định vị thương hiệu, sản xuất, chăn nuôi, bán hàng, nhân sự, tập trung mạnh vào chuyển đổi số… Và kết quả của việc tái cấu trúc sẽ được sẽ thể hiện trong 2 năm đầu tiên, trong đó năm 2024 sẽ hoàn tất tái định vị thương hiệu.
Tại đại hội, cổ đông Vinamilk đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2024, với tỷ lệ 38,5% (1 cổ phiếu nhận 3.850 đồng) tương đương với năm 2023. Như vậy, số tiền dự kiến chi để trả cổ tức cho cổ đông năm 2024 đến hơn 8.000 tỷ đồng.
Về kinh doanh năm 2024, HĐQT trình và được cổ đồng thông qua mức doanh thu 63.163 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng nhẹ 4%, với 9.376 tỷ đồng. Năm 2023, Vinamilk đạt doanh thu 10.968 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9.019 tỷ đồng.
Trong năm 2024, Vinamilk cũng sẽ đưa vào kinh doanh mảng bò thịt. Bà Mai Kiều Liên cho biết dự kiến doanh thu mảng này sẽ ở mức 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Cổ đông Vinammilk cũng thông qua mức chi thù lao và các lợi ích năm 2024 cho HĐQT với tổng cộng 25 tỷ đồng cho 11 thành viên.