Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS – Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua một số trang TMĐT và mạng xã hội giao bán, gọi điện thoại cho người tiêu dùng rất phổ biến. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật.
Nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, khách đặt hàng được người giao hàng đưa hàng và thu hộ tiền cho người bán, không có hóa đơn bán hàng, do vậy không rõ nguồn gốc sản phẩm để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đúng như quảng cáo.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục TMĐT&KTS khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. “Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế …); giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; thông tin về điều kiện giao dịch chung; các chính như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vẫn chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng”, đại diện Cục TMĐT&KTS lưu ý.
Đặc biệt, đại diện Cục TMĐT&KTS cũng cảnh báo, nếu người tiêu dùng mua hàng qua các mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm. “Tuyệt đối không nên mua ở những fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể”, đại diện Cục TMĐT&KTS chỉ rõ.
Đồng thời, Cục TMĐT&KTS khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng. Cục này cũng khuyến khích người dân nếu phát hiện các gian hàng vi phạm hãy phản ánh về Cục TMĐT&KTS.
Liên quan đến việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe trực tuyến, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã có khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế
Trong một số trường hợp, tổ chức hoặc cá nhân còn có hành vi gọi điện thoại tự xưng là bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế tư vấn, “bắt bệnh” và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hoặc gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Với những chiêu thức mới hết sức tinh vi trong quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo người dân cần lưu ý một số điểm quan trọng trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong đó, người tiêu dùng cần xác định trước thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
Trước khi quyết định chọn mua sản phẩm, người tiêu dùng cần tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ hoặc https://nghidinh15.vfa.gov.vn/.
Người tiêu dùng cần đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe. Đồng thời, chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng. Khi mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên./.