Tại Khoa Hô hấp, BV Nhi đồng 1, TP.HCM tình trạng trẻ nhập viện đông vì nhiều bệnh lý liên qua đến hô hấp. Trung bình khoa tiếp nhận tầm 30 ca bệnh/ ngày và trên 80% nguyên nhân viêm phổi nặng đều do phế cầu. Dự kiến, sau đợt lễ dài 30/4 và 1/5 và trùng với việc chuyển mùa, bệnh sẽ bước vào chu kỳ gia tăng.
Bệnh nhi Ng.T.M.T (36 tháng tuổi) viêm phổi nhập viện 2 lần và được chẩn đoán bị biến chứng do bội nhiễm vi khuẩn nên phải điều trị nhiều kháng sinh kết hợp.
Người nhà bệnh nhân cho biết: “Trước khi bé nhập viện là bé bị viêm phổi, xong rồi được xuất viện đi về nhà, rồi bé vẫn còn ho, bắt đầu sốt nên em đưa đi”.
Lý giải về tình trạng bệnh nhi T. có diễn tiến nặng, TS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết: “Từ một ổ viêm nhiễm tại phổi có thể đưa những biến chứng nặng, viêm phổi hoại tử, tức là chỗ viêm đó có nhu mô phổi bị hoại tử ra nó tạo những ổ mủ nhỏ li ti trong phổi hoặc là nặng hơn áp-xe phổi. Những biến chứng khác chẳng hạn như viêm mủ màng phổi, tràn khí màng phổi, gặp những biến chứng này thì việc điều trị rất là khó khăn, kết quả điều trị cũng rất là hạn chế”.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn cho biết thêm, viêm phổi bội nhiễm do phế cầu là một trong những bệnh lý nguy hiểm, do sức đề kháng của trẻ chưa hoàn thiện nên trẻ em là đối tượng rất dễ bị mắc bệnh, đặc biệt là viêm phổi.Viêm phổi gây bội nhiễm, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Khi thấy con trẻ có dấu hiệu nghi ngờ thì cần đưa trẻ đến bệnh viện.
Tương tự, tại BV Đại học Y Dược TP.HCM cũng ghi nhận tình nhiều bệnh nhân người lớn nhập viện vì bệnh lý hô hấp.
Bệnh nhân Trần Thị T. (39 tuổi, TP.HCM) nhập viện với tình trạng mệt mỏi, nôn ói, sốt cao, đau ngực kèm theo khó thở, ho có đờm và máu. Sau 10 ngày nhập viện bệnh nhân có dấu hiệu viêm phổi, qua xét nghiệm, bệnh nhân mắc vi khuẩn đa kháng. Các chuyên gia khuyến cáo, một trong những nguyên nhân gây ra viêm phổi có thể do phế cầu khuẩn kháng thuốc. Vì vậy, khi các bệnh lý phức tạp cộng với việc kháng thuốc việc điều trị trở nên rất khó khăn, tỷ lệ tử vong cao.
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Liên chi hội hô hấp TP.HCM cho biết: “Con phế cầu khuẩn là một cầu trùng Gram dương và nó gây ra nhiễm trùng đa phần nhiễm trùng hô hấp ở ngoài cộng đồng. Chúng ta còn thấy phế cầu khuẩn còn gây ra viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm khuẩn huyết... Con đường chủ yếu của phế cầu khuẩn lây qua con đường hô hấp, hoặc là qua những giọt bắn khi mà chúng ta cùng chung một cộng đồng tương đối là khép kín thì khả năng gây bệnh sẽ cao lên”.
Do đó, để giảm số lượng ca tử vong cũng như các biến chứng nặng nề do phế cầu khẩu gây ra thì tiêm phòng vắc xin là biện pháp quan trọng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM khuyến cáo rằng: "Nếu trong nhà có con nít, mình mắc bệnh sẽ lây cho con nít. Người lớn có bệnh mãn tính về phổi thì khả năng đẩy vi khuẩn ra khỏi cơ thể rất khó. Không chích ngừa thì lượng vi khuẩn thường trú trong họng nhiều hơn. Chích ngừa sẽ giảm lượng virus thường trú, trong đó có phế cầu. Phải hiểu việc chích ngừa của mình là cho con cho cháu chứ không chỉ bản thân”.
Bác sĩ Khanh cho hay, ngày xưa chích vắc xin ngừa phế cầu 3 năm nhắc lại một lần, hiện giờ đã có loại chích 1 lần suốt đời cho người lớn. Các chuyên gia của Viện Pasteur TP.HCM cũng cho biết thêm, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đã có vắc xin phế cầu cộng hợp. Ở trẻ em chích ngừa phế cầu thực hiện tốt nhất từ khoảng 1,5-2 tháng và tốt nhất chích 3 mũi trong vòng 6 tháng đầu. Người dân cũng cần lưu ý, trong chích ngừa, trễ còn hơn là không chích.
Số liệu thống kê năm 2015 của WHO cho thấy, vắc-xin phế cầu khuẩn đã giúp 6-7,5 triệu trường hợp nhiễm phế cầu khuẩn được ngăn chặn, và cứu sống khoảng 290.000 trẻ dưới 5 tuổi trên toàn cầu. Và cứ mỗi 43 giây thế giới có một em bé chết vì viêm phổi. Đây cũng là bệnh chiếm đến 14% nguyên nhân gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2,9 triệu lượt trẻ mắc viêm phổi và 4.000 trẻ tử vong vì 4 căn bệnh liên quan đến phế cầu./.