Lợi dụng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao vào thời điểm giáp tết, không ít đối tượng kinh doanh, sản xuất thực phẩm, bánh kẹo, rượu đã bất chấp các quy định của pháp luật để đưa ra thị trường những mặt hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện một lượng lớn hàng hóa nhập lậu hàng ngày ồ ạt tuôn vào Việt Nam. Số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm ngày càng gia tăng khiến người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin về chất lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm.
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), không chỉ với thực phẩm quá hạn sử dụng (date), những ngày vừa qua, lực lượng các tỉnh cũng liên tiếp kiểm tra, bắt giữ nhiều vụ việc về các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong tết như bia rượu, thuốc lá, các loại hoa quả khô, hạt... Điển hình như ngày 13/1, QLTT huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) phối hợp với Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy, Đồn biên phòng Chi Ma liên tiếp bắt giữ 2 vụ buôn lậu mặt hàng hồng quả sấy dẻo.
Cùng ngày, QLTT Quảng Nam đã kiểm tra, tạm giữ một xe tải biển Đà Nẵng chở một lượng lớn hàng hóa từ nồi cơm điện, rượu nhãn hiệu Chivas 18, hạt dưa, hạt hướng dương, hàng trăm ký thịt bò khô, thịt khô gà... không xuất trình được giấy tờ hợp lệ. Trước đó 1 ngày, QLTT TP Hà Tĩnh cùng Đội cảnh sát Công an môi trường kinh tế tỉnh và cán bộ thú y trên địa bàn đã kiểm tra, phát hiện một số lượng lớn mỡ lợn đã qua sơ chế không có hóa đơn chứng từ.
Lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều điểm kinh doanh hàng thực phẩm hết hạn, rượu lậu, giả...
Không chỉ mua bán, vận chuyển hàng thực phẩm lậu, hàng nhái bán tết, các nhà kinh doanh hàng lậu không từ thủ đoạn bán cả bánh hết hạn sử dụng. Ngày 5/1, Đội QLTT số 24 thuộc Cục QLTT TP Hà Nội cũng phối hợp với lực lượng công an trên địa bàn huyện Hoài Đức đột xuất kiểm tra và bắt quả tang Công ty TNHH chế biến nông sản Minh Quang (xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đang trữ một lượng lớn sản phẩm bánh quy do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu hết hạn sử dụng. Kiểm đếm thực tế có hơn 3 tấn bánh quy yến mạch hiệu “Torku” có xuất xứ ghi trên bao bì từ Thổ Nhĩ Kỳ đã hết hạn sử dụng từ tháng 2/2020 (cách đây gần 1 năm) đang được công nhân ngang nhiên ''gia hạn sử dụng'' bằng máy dập date. Ngoài ra, tại đây còn có nhiều loại máy móc khác như máy in, máy đóng gói bao bì, sản phẩm cùng hàng loạt các loại túi, vỏ hộp để đựng, đóng gói sản phẩm.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú khá bức xúc nói hành vi buôn lậu đáng lên án, nhưng bán thực phẩm giả, hết hạn cho người tiêu dùng dùng tết trong bối cảnh cả nước trải qua một năm khó khăn vì dịch bệnh là tội ác. “Hành vi làm ăn gian dối nào cũng đáng bị lên án. Trong lúc khó khăn, cả nền kinh tế đang khó khăn, người kinh doanh vẫn không từ thủ đoạn nào để lừa dối người tiêu dùng, bán hàng kém chất lượng, nói vống lên hàng tốt để thu lợi bất chính. Đề nghị phải có biện pháp xử lý mạnh, không loại trừ hình sự hóa cho hành vi kinh doanh ảnh hưởng đến sức khỏe con người”.
Theo Tiêu dùng