Theo thông tin trên mạng xã hội và một số báo, đài, vào lúc 14 giờ chiều nay 17/9, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh là 2 người có tên tuổi trong đợt cứu trợ lũ lụt ở các tỉnh miền Trung vào cuối năm 2020, sẽ livestream sao kê các khoản đã nhận ủng hộ từ mạnh thường quân (MTQ) và chi hỗ trợ đồng bào gặp nạn. Tuyên nhiên, đến hơn 15 giờ chiều cùng ngày cô ca sĩ này vẫn đang ở trong ngân hàng để lục sao kê.
Phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị trao đổi với Luật sư Đào Kim Lân - Giám đốc Công ty Luật TNHH An Thuận Phát (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) về việc sao kê, công khai giải trình nguồn tiền, hàng hóa tiếp nhận cũng như tổng kết báo cáo việc sử dụng tiền có cần thiết? Cũng như việc một số văn bản liên quan đến việc sử dụng tiền cứu trợ của các MTQ được công khai trên mạng xã hội?
Ca sĩ Thủy Tiên đang lấy sao kê tại Vietcombank
Bởi lẽ, theo các quy định hiện nay như Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 và Thông tư số 72/2008/TT-BTC ngày 21/7/2008, hiện vẫn còn hiệu lực cho đến nay. Tổ chức, cá nhân được quyền đóng góp hoặc vận động đóng góp tiền, hàng để “hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”, chỉ được kêu gọi, vận động hay trực tiếp đóng góp nhưng “không được tiếp nhận hoặc phân phối” tiền, hàng hóa dùng vào công tác từ thiện.
Vậy thì việc sao kê, công khai, giải trình nguồn tiền, hàng hóa tiếp nhận cũng như tổng kết hoặc báo cáo việc sử dụng nguồn tiền, hàng được hỗ trợ có cần thiết và có… trở nên thừa? Luật sư Đào Kim Lân - Giám đốc Công ty Luật TNHH An Thuận Phát, nêu quan điểm: “Gần đây xảy ra nhiều vụ lùm xùm liên quan đến các nghệ sĩ tự vận động, kêu gọi các MTQ hỗ trợ tiền, hàng rồi tiếp nhận và trực tiếp phân phối đến các khu vực gặp thiên tai. Việc các nghệ sĩ này tự đi cấp, phát có thể do tình hình cấp bách, tuy nhiên về mặt pháp luật là chưa phù hợp. Cũng có một số ý kiến cho rằng dù chưa có quy định, nhưng công dân có quyền thực hiện những gì không cấm và viện dẫn luật Dân sự năm 2015. Việc đúng, sai chưa bàn cãi nhưng như thế thì chỉ có cá nhân hay tổ chức nào có tham gia giao dịch, đóng góp mới có quyền yêu cầu người tiếp nhận báo cáo và chỉ báo cáo phần mà mình đã đóng góp, những phần không liên quan thuộc quyền riêng tư của người nhận và người giao”.
Biên bản của Ban Dân vận tỉnh Quảng Ngãi và của Ủy ban MTTQ ở tỉnh Quảng Trị xác nhận nhóm ca sĩ Thủy Tiên hỗ trợ.
Cũng theo luật sư Đào Kim Lân, qua các thông tin trên mạng xã hội và báo chí, ca sĩ Thủy Tiên có công khai một số văn bản ghi nhận việc hỗ trợ và xem như là một chứng cứ về việc sử dụng, phân phối nguồn tiền tiếp nhận. Về góc độ pháp luật, các văn bản ghi nhận đó đã sai thẩm quyền nghiêm trọng.
Thứ nhất, nếu là giao dịch cá nhân theo Luật Dân sự, người trực tiếp nhận hỗ trợ phải ký vào văn bản ghi nhận (nếu người phân phối yêu cầu) hoặc để thuận tiện do số lượng đông, danh sách phải được lập với đầy đủ thông tin người nhận, số tiền nhận và có chính quyền địa phương xác nhận.
Trên trang facebook của mình, ca sĩ Thủy Tiên viết đã nhận sao kê trước truyền thông, sau đó sẽ công bố.
Thứ hai, nếu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) là đơn vị tiếp nhận và trực tiếp phân phối. Cơ quan này chỉ cần xác nhận số tiền đã tiếp nhận, nhưng phải lập danh sách phân phối theo đúng các quy định của pháp luật về việc thực hiện phân phối tiền, hàng cứu trợ, không thể xác nhận chung chung số tiền (cứ cho là chính xác và đúng địa bàn) mà không kiểm soát việc phân phối như thế nào, có đúng đối tượng hay không và không báo cáo, tổng kết trong hồ sơ hoạt động của mình.
Thứ ba, trong các văn bản ghi nhận, có đại diện Ban Dân vận đứng ra ký tên, đóng dấu xác nhận. Việc này là không đúng thẩm quyền của Ban Dân vận, bởi vì theo điều 9 của Quy định 04-QĐ/TW ngày 25/7/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (thay thế Quy định 219-QĐ/TW ngày 25/12/2013), Ban Dân vận có chức năng, nhiệm vụ là tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương chính sách đó, đồng thời phối hợp theo dõi, tổng hợp và chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong đó có Ủy ban MTTQ trong công tác dân vận. Như vậy, Ban Dân vận không có chức năng tiếp nhận, phân phối mà phải chuyển cho Ủy ban MTTQ (nếu vận động được) nguồn tiền, hàng cứu trợ và cũng không thể tùy tiện ghi nhận cho công tác từ thiện của các cá nhân. Bởi lẽ, tự thân công việc đó đã chưa đúng và việc ghi nhận không thuộc thẩm quyền của mình.
Theo quy định của Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 và Thông tư 72/2008/TT-BTC ngày 21/7/2008, tổ chức, cá nhân được quyền đóng góp hoặc vận động đóng góp tiền, hàng để “hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”, tuy nhiên việc “tiếp nhận và phân phối” phải do những tổ chức sau đây thực hiện, gồm: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cấp ở địa phương; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các cấp ở địa phương; Báo đài của Trung ương và địa phương; Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập và hoạt động theo quy định… Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ (khoản 3, điều 5 Nghị định 64). Còn chiếu theo các quy định về việc thành lập Quỹ tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 và Thông tư 04/2020/TT-BNV ngày 13/10/2020 thì không thấy các nghệ sĩ liên quan vụ sao kê có đăng ký và hoạt động hợp pháp. |