Bữa tối là một phần thiết yếu trong chế độ ăn uống hàng ngày vì nó đảm bảo rằng cơ thể bổ sung được dưỡng chất cần thiết sau một ngày dài hoạt động. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Nội tiết Lâm sàng và Chuyển hóa của Hiệp hội Nội tiết cũng nói rằng chế độ “ăn sáng nhiều và ăn tối ít” có thể giúp bạn duy trì được sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần ở ổn định. Nó cũng có thể ngăn ngừa béo phì và lượng đường trong máu cao.
Điều gì xảy ra khi bạn bỏ bữa tối để giảm cân?
Việc bỏ bữa với giảm cân đã trở thành một xu hướng khá phổ biến, nhưng nếu bạn muốn có một cơ thể khỏe mạnh, bạn nên chấm dứt tình trạng này.
Tiến sĩ Divya Gopal, Chuyên gia dinh dưỡng tại bệnh viện Motherhood (Bengaluru, Ấn Độ) chia sẻ những kiến thức hữu ích xung quanh vấn đề này.
Theo Tiến sĩ Gopal, chế độ ăn uống phù hợp với lượng dinh dưỡng cần thiết quan trọng hơn bạn nghĩ. “Bỏ bữa, đặc biệt là bữa tối, có thể ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của bạn.”, bà nói.
Đôi khi vì một số nguyên nhân khách quan khiến bạn phải bỏ bữa, nhiều người sẽ có tâm thế ăn thêm để bù lại bữa ăn đã mất, dẫn đến ăn quá nhiều và gây hại cho sức khỏe. Thực tế, khi bạn bỏ bữa, thậm chí là bữa tối, cơ thể sẽ bắt đầu thèm ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, món ngọt và đồ ăn vặt khiến bạn bổ sung một lượng lớn các chất không lành mạnh trong tình trạng không kiểm soát, dễ tích tụ chất béo và calorie.Trong trường hợp này, do lượng đường trong máu đã bị hạ thấp, bạn sẽ dễ bị kích thích bởi bất cứ món ăn nào và thường xuyên cảm thấy đói hơn.
4 tác dụng phụ của việc bỏ bữa tối
Bỏ bữa ăn khiến bạn ăn nhiều hơn vào bữa sau
Những người thường cố gắng bỏ bữa tối có thể hình thành thói quen ăn đêm, rất có thể bao gồm đồ ăn vặt. Hơn nữa, ăn đồ ăn vặt làm tăng nồng độ cortisol (hormone căng thẳng) trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Ảnh hưởng xấu đến tâm trạng của bạn
Cảm giác đói vì bỏ mất một bữa ăn có thể làm thay đổi tâm trạng của bạn, giảm đi khả năng quản lý cơn giận và bạn sẽ có xu hướng bộc lộ cảm xúc trực tiếp, rõ ràng hơn.
Bạn có thể cảm thấy nôn nao, bồn chồn hay bực dọc trong người vì lượng đường trong máu bị hạ thấp hơn thông thường, dễ gây ra trạng thái khó chịu, bối rối và mệt mỏi.
Các vấn đề về tiêu hóa
Bỏ qua bữa tối có thể dẫn đến buồn nôn, tiêu chảy hoặc thậm chí là táo bón. Bạn có thể rơi vào một vòng luẩn quẩn là bỏ bữa và sau đó là ăn uống vô độ.
Đồng thời, những người bỏ bữa dễ bị rối loạn ăn uống. Chúng làm tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn như biếng ăn, ăn vô độ hoặc thậm chí là chứng biếng ăn.
Ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ của bạn
Bỏ qua bữa tối có thể ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ của bạn đến mức bạn có thể trở nên thiếu ngủ. Thiếu ngủ có thể có tác động xấu đến khả năng miễn dịch, tâm trạng, năng lượng và sự trao đổi chất của bạn.
Nên ăn bữa tối thế nào cho khoa học?
Nên ăn một chế độ ăn uống cân bằng, trải đều từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối, tốt nhất là chia thành 4-6 bữa ăn nhỏ hơn. Để thực hiện được công việc này, bạn cần ăn đủ chất trong nửa đầu ngày, để cung cấp năng lượng tốt cho cơ thể suốt cả ngày.
Thời gian tốt nhất để ăn tối là cách giờ đi ngủ 3 giờ. Điều này là thời gian đủ để cơ thể tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng, nếu kết hợp một số bài tập nhẹ giúp giảm lượng calo và thực phẩm nhanh được chuyển hóa.
Nên ăn đa dạng các loại thực phẩm như ngũ cốc, rau củ, thịt cá… nhưng cần chú ý năng lượng nạp vào cơ thể. Bữa tối nên loại bỏ các thực phẩm sản sinh ra nhiều khí trong quá trình tiêu hóa như ngô, khoai lang, đậu xanh. Không nên ăn thực phẩm gây kích thích như ớt, tỏi, hành, thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ và không nên ăn nhiều thịt./.