Giữa tháng 6-2021, một dân quân của xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM bị mắc Covid-19 khi làm nhiệm vụ. 11 đồng nghiệp trực cùng chốt phải đi cách ly khiến nhân sự các chốt bị căng kéo.
Cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh
Trái với không khí căng thẳng những ngày ấy, chiều 25-6, anh Phạm Thanh Minh (26 tuổi, dân quân xã Bà Điểm, người bị mắc Covid-19) phấn khởi nói: "Em đã chữa bệnh được 15 ngày rồi, sức khỏe rất ổn, mong sớm hết bệnh để về đơn vị, tiếp tục công việc".
Minh đang điều trị tại một bệnh viện ở huyện Củ Chi, chỉ còn hơi ho, không sốt, ăn uống ngon miệng và tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Anh nhiễm bệnh khi tham gia trực tại chốt phong tỏa ấp Hậu Lân và hỗ trợ đội ngũ y - bác sĩ lấy mẫu cho người dân.
"Ngay khi bị sốt, em đã chủ động khám và xét nghiệm, nếu lỡ có bệnh cũng hạn chế lây lan cho mọi người. Vậy mà…" - giọng Minh chùng lại.
Năm người trong gia đình anh và 11 đồng nghiệp trực chung ca thuộc diện F1 đều đi cách ly, còn vài ngày nữa là hết thời hạn 21 ngày. Rất may, tất cả đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Từ trong khu cách ly ký túc xá ĐHQG TP HCM, anh Lê Văn Hiếu, F1 - trực chung ca với Minh, vui vẻ cho biết: Còn 4 ngày nữa là đủ 21 ngày. Anh đang đếm từng ngày để trở về hỗ trợ anh em trong đơn vị.
Tại ấp Hậu Lân, khi dân quân đi cách ly hết thì các cô chú ở Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ phải hỗ trợ mà ai cũng lớn tuổi. Ngày nào, anh cũng vô nhóm chat của các cô chú để nắm tình hình nên sốt ruột lắm, chỉ mong sớm về hỗ trợ.
Xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn là một trong những xã có nhiều ca bệnh lây lan cộng đồng liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng trên địa bàn huyện. Hiện nay, toàn xã có 8 khu vực bị phong tỏa với khoảng 30 chốt trực.
Là nữ dân quân thường trực duy nhất của xã Bà Điểm, chị Dương Thiện Ngọc (34 tuổi) cũng cắm chốt gần 1 tháng nay. Chị gửi con nhỏ cho em gái nhờ trông hộ, mỗi ngày 2 mẹ con chỉ gặp nhau vài phút qua điện thoại cho đỡ nhớ. Ngoài công việc chính là "chị nuôi" lo cơm nước cho hơn 10 dân quân túc trực tại ban chỉ huy, chị Ngọc còn phải có mặt tại chốt phong tỏa để hỗ trợ ca tối.
Ông Nguyễn Văn Triển, Chỉ huy trưởng Quân sự xã Bà Điểm, cho biết: Để hỗ trợ cho các lực lượng khác tại các khu phong tỏa, mỗi ngày, khoảng 180 dân quân chia 3 ca trực tại 30 chốt làm nhiệm vụ hỗ trợ tiếp tế lương thực, thực phẩm và bảo đảm cách ly an toàn cho người dân trong khu phong tỏa.
Do số điểm phong tỏa tăng nhanh, ngoài dân quân thường trực, nhiều dân quân cơ động cũng tình nguyện tham gia các chốt 24/24 để hỗ trợ phòng chống dịch. Nhiều người mới có vợ, có con nhỏ cũng tình nguyện ở lại chốt, không về nhà.
"Xác định mình ở tuyến đầu chống dịch, rủi ro nhiễm bệnh, chúng tôi động viên nhau phải giữ vững tinh thần, bảo đảm an toàn, làm tốt nhiệm vụ để cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh. Công việc vất vả nhưng mọi người rất an tâm vì gần 100% dân quân vừa được tiêm vắc-xin, hơn nữa được sự quan tâm, động viên của người dân nên cảm thấy rất ấm lòng" - anh Triển nói.
Anh Phạm Văn Hôn - Trung đội trưởng dân quân cơ động xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM - cùng dân quân xã tiếp nhận quà của nhà hảo tâm
Xem người dân như người thân
Tình nguyện bám chốt 24/24 ở chốt trực gần 1 tháng nay, anh Phạm Văn Hôn - Trung đội trưởng dân quân cơ động xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn - đã coi chốt trực là "nhà trọ".
Khu vực bị phong tỏa thuộc ấp 4 có khoảng 130 hộ dân và một số cơ sở sản xuất, công ty… Do số hộ dân đông, một số cơ sở, công ty vẫn hoạt động nên nhu cầu giao nhận hàng hóa, nhu yếu phẩm rất cao. Chốt trực lúc nào cũng có 3 người gồm 1 công an và 2 dân quân, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của người dân dù sáng, trưa hay tối.
"Cứ mỗi sáng, người dân ghi giấy kèm lời dặn dò để chúng tôi đi chợ giúp họ, gom vài người thì 2 anh em chia nhau đi, cố gắng mua đúng ý hoặc tranh thủ đi chợ sớm để mua đồ tươi. Trong giấy ghi chú lúc nào cũng kèm số điện thoại, nếu lỡ hết món họ cần thì điện thoại về hỏi xem muốn đổi món gì. Họ ở trong đó không ra ngoài được nhiều khi cũng bí bách nên phải đặt mình vào vị trí của họ để vui vẻ phục vụ" - anh Hôn cười nói.
Ngoài đi chợ giúp, anh Hôn và nhiều anh em dân quân ở đây kiêm luôn "shipper" phục vụ bất kể giờ giấc, có khi mua cả trà sữa, rau má, bánh kẹo… cho trẻ con.
Chưa bao giờ công việc với những dân quân như chị Ngọc, anh Hôn… lại "khác lạ" đến vậy. Không còn những buổi tuần tra trên đường mà họ phải ở lại ngày đêm tại các chốt phong tỏa, làm người gác cửa, làm "shipper" bất đắc dĩ. Khi có đồng đội đã nhiễm bệnh, rất nhiều dân quân đều khẳng khái nói rằng "không sợ" bởi họ không làm thì ai làm. Điều sợ duy nhất là người dân không chấp hành, cố tình tìm cách trốn khỏi khu phong tỏa.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-6
Kỳ tới: Đội "shipper" áo xanh ở Ehome 3