Điều trị ung thư không bao giờ là một quá trình dễ dàng. Các tác dụng phụ của ung thư thường làm giảm đáng kể khả năng miễn dịch của người bệnh, khiến cuộc sống thường ngày của họ trở nên khó khăn hơn.
Mặc dù ung thư có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có di truyền - yếu tố không thể phòng tránh, tuy nhiên, những thay đổi trong lối sống hàng ngày cũng được cho là một trong những biện pháp hiệu quả để giảm nguy cơ mắc ung thư trong tương lai.
Ung thư vú là bệnh ung thư phát triển khi các tế bào tăng sinh ngoài tầm kiểm soát và lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, bắt đầu ở một hoặc cả hai bên vú. Mặc dù ung thư vú chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ, nhưng nam giới không phải là hoàn toàn không có nguy cơ mắc căn bệnh này.
Lớn tuổi, có tiền sử từng bị ung thư vú, nguy cơ di truyền từ gia đình, mô vú dày đặc, tiền sử sinh sản dẫn đến tiếp xúc nhiều estrogen, dùng liệu pháp hormone cho các triệu chứng mãn kinh, xạ trị vú hoặc ngực, béo phì, uống rượu... là những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú, theo TS Chandrika Anand, Chuyên gia Tư vấn Sản phụ khoa, Bệnh viện Fortis, Ấn Độ.
Bên cạnh đó, TS Anand cũng nói thêm về những thói quen có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
1. Ăn vặt
Nếu bạn là người thích ăn uống thoải mái, duy trì lối sống ít vận động, bạn sẽ có nguy cơ tăng cân, béo phì và ung thư vú. Mặt khác, duy trì một chỉ số BMI khỏe mạnh có thể làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư của bạn. Do vậy, đừng ăn vặt quá nhiều.
2. Không tập thể dục
Nếu bạn quá lười tập thể dục, luôn tìm lý do để không phải di chuyển khỏi bàn làm việc mà chỉ ngồi chăm chú vào chiếc máy tính, bạn có thể bị tăng nguy cơ ung thư vú. Tập thể dục là điều quan trọng để duy trì cân nặng hợp lý và hỗ trợ ngăn ngừa ung thư vú.
Hầu hết những người trưởng thành khỏe mạnh nên dành 150 phút vận động vừa phải hoặc 75 phút tập thể dục gắng sức mỗi tuần, cũng như rèn luyện các bộ môn đòi hỏi sức mạnh ít nhất 2 lần/tuần.
3. Uống rượu
Mặc dù nhiều người cho rằng, rượu có thể giúp giảm căng thẳng, nhưng đây chính là nguyên nhân tăng khả năng mắc một số bệnh có liên quan đến lối sống. Lạm dụng rượu cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Mức độ rủi ro tăng lên theo lượng rượu được tiêu thụ.
4. Hút thuốc
Theo các nghiên cứu, phụ nữ hút thuốc hoặc từng hút thuốc có nhiều khả năng bị ung thư vú hơn những người không hoặc chưa từng hút thuốc. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ tử vong vì ung thư vú sau khi chẩn đoán.
5. Tiếp xúc với hóa chất
Các sản phẩm chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm thường chứa nhiều hóa chất, và việc lạm dụng chúng có thể dẫn đến việc tiếp xúc với nhiều loại chất độc có thể làm rối loạn hệ nội tiết tự nhiên trong cơ thể, tăng nguy cơ ung thư vú. Bạn cũng nên cố gắng tránh xa các loại hóa chất trong đồ đạc, đồ nhựa đóng gói thực phẩm, vật liệu xây dựng... để giảm nguy cơ mắc bệnh.
6. Trì hoãn mang thai
Phụ nữ thụ thai sau 35 tuổi và phụ nữ không có thai sẽ duy trì với mức nội tiết tố estrogen liên tục. Họ có nguy cơ cao bị ung thư vú. Do vậy, phụ nữ trẻ thường được khuyến khích có thai trước 35 tuổi.
7. Không cho con bú
Mức độ estrogen có thể vẫn thấp hơn khi phụ nữ đang cho con bú. Phụ nữ cho con bú có nguy cơ ung thư vú thấp hơn 4,3% so với phụ nữ đã sinh con nhưng không cho con bú.
Theo VTC