Gạo tẩm hương liệu
Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều phương pháp bảo quản gạo, một số cơ sở kinh doanh đã dùng đến thủ thuật bổ sung hương liệu cho gạo kém chất lượng để thu lợi nhuận lớn. Người tiêu dùng rất khó để phân biệt được gạo chuẩn và gạo kém chất lượng bởi bề ngoài hình dáng và mùi thơm của gạo không khác những loại gạo chất lượng cao là bao nhiêu.
Những loại hương liệu tẩm cho gạo thường là những hóa chất tổng hợp. Do đó, nếu tiêu thụ loại gạo có tẩm hương liệu quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhất là các bệnh trực tiếp đến gan và thận. Không những thế, một số loại còn có thể kích thích vị giác, dễ gây nghiện.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Gạo nhiễm kim loại nặng
Kim loại nặng "cadmium" có từ môi trường canh tác lúa gạo, sau khi tiêu thụ một lượng lớn gạo chứa cadmium, kim loại nặng có thể tích tụ trong cơ thể người và gây ra nhiều loại bệnh nghiêm trọng, có thể gây tổn thương thận, loãng xương và tổn thương hệ thống hô hấp.
Gạo để quá lâu
Gạo mới thu hoạch chính là thời điểm có nhiều chất dinh dưỡng nhất. Song, vẫn cần phải bảo quản thật đúng cách để chất lượng gạo được giữ. Theo thời gian, chất dinh dưỡng trong gạo sẽ bị giảm đi, không còn thơm ngon như trước.
Tùy vào thời gian sử dụng gạo của các gia đình mà mua số lượng vừa đủ. Không phải gạo không bị sâu, mốc sẽ là hàng chuẩn. Thông thường, gạo chỉ sử dụng từ 3-6 tháng và so với gạo mới có màu trắng trong thì gạo cũ thường có hiện tượng đổi màu sang ngà ngà hoặc vàng đục và không còn mùi thơm. Do đó, nếu gặp những loại gạo này thì không nên mua dù có rẻ đến mấy.
Gạo có dấu hiệu mốc
Gạo bảo quản không đúng cách sẽ rất dễ bị mốc. Không phải là cứ vo sạch là gạo sẽ không ảnh hưởng gì. Thực tế, gạo mọc nấm thường là loại nấm chứa độc tố aflatoxin có thể giết chết một lượng lớn tế bào gan và gây tổn thương gan thậm chí phát triển thành xơ gan, ung thư gan. Những biểu hiện của việc bị ngộ độc aflatoxin là buồn nôn, nôn, vàng da, đau gan, xuất huyết tiêu hóa và tử vong. Chính vì vậy, cần phải thận trọng khi chọn gạo để không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Gạo tồn dư thuốc trừ sâu
Gạo chứa nhiều thuốc trừ sâu có độc tính cao có thể gây ngộ độc nếu tiêu thụ nhiều, và cũng có thể gây sẩy thai, quái thai nếu phụ nữ có thai ăn. Điều này cho thấy tác hại của gạo độc như thế nào nên chúng ta phải đề phòng và học cách phân biệt.
Gạo mốc tẩy trắng và gạo sáp
Gạo mốc có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường với những vệt, đốm màu xanh đen hoặc tím khá nổi bật trên nền gạo trắng. Tuy nhiên, gạo mốc tẩy trắng và gạo sáp lại không đơn giản như thế.
Giống như gạo bình thường, gạo mốc đã được tẩy trắng và tẩm sáp bề ngoài nó trông rất hoàn hảo, thậm chí cho người ta cảm giác loại gạo đó rất an toàn. Đặc biệt là giới trẻ, họ thích sử dụng những loại gạo có vẻ ngoài đẹp, trắng tinh.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ loại gạo này sẽ đe dọa đến gan của con người, bởi thực tế độc tố aflatoxin là chất gây ung thư được Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận là không thể loại bỏ dù được bào mòn lớp bên ngoài hay xử lý qua nhiệt độ cao.
Trong khi đó, parafin lỏng được sử dụng để làm sáp gạo có nguồn gốc từ các sản phẩm phân đoạn của các hợp chất dầu mỏ. Nếu tiêu thụ lâu dài có thể gây khó chịu cho dạ dày và các triệu chứng như viêm dạ dày, đường ruột.