Rò rỉ nước tiểu là vấn đề sức khỏe mà hàng triệu người trên thế giới phải đối mặt, đặc biệt là người lớn tuổi.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ tác động của chế độ ăn uống, cân nặng quá khổ đến một số vấn đề sức khỏe như táo bón hay bàng quang tăng hoạt. Để giảm rò rỉ nước tiểu, các chuyên gia khuyến cáo có thể áp dụng những cách sau:
Uống đủ nước: Mất nước có thể làm tăng nguy cơ bàng quang rò rỉ nước tiểu. Cơ thể mất nước, nhất là khi không uống đủ nước, thì nước tiểu trong bàng quang sẽ đặc hơn. Tình trạng này gây kích ứng bàng quang và làm mắc tiểu.
Mỗi người nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Nếu có vận động thể chất, đổ nhiều mồ hôi hay trời nóng bức thì cần uống nhiều hơn mức 2 lít.
Ngoài ra, mỗi người cũng cần theo dõi màu nước tiểu. Màu nước tiểu vàng nhạt có nghĩa là đang uống đủ nước. Nếu nước tiểu màu vàng đậm thì cơ thể đang thiếu nước và cần bổ sung nước.
Tập vùng sàn chậu: Các động tác thể dục nhắm vào vùng sàn chậu như ngồi xổm hay bài tập Kegel sẽ cực kỳ có lợi cho những người mắc chứng tiểu không tự chủ. Các bài tập này giúp tăng cường cơ quanh bàng quang, từ đó ngăn ngừa rò rỉ nước tiểu.
Đi tiểu dù chưa buồn tiểu: Các chuyên gia khuyến cáo khoảng thời gian cách nhau xa nhất giữa 2 lần đi tiểu là từ 2 đến 3 giờ. Sau khoảng thời gian này, ngay cả khi bạn không thấy mắc tiểu đi nữa thì cũng nên đi vì sẽ giúp ngăn ngừa co thắt bàng quang.
Ngoài ra, nếu có việc phải ra ngoài thì hãy đi tiểu trước khi bước ra khỏi nhà. Bàng quang trống làm giảm nguy cơ phải trữ nước tiểu trong thời gian dài và gây rò rỉ.
Giảm cân: Các bác sĩ khuyến cáo nên giảm cân để giảm nguy cơ rò rỉ nước tiểu. Thừa cân, đặc biệt là tình trạng mỡ tích tụ nhiều vùng bụng, sẽ tạo áp lực lên cơ sàn chậu và góp phần gây tiểu không tự chủ.
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san The New England Journal of Medicine phát hiện những phụ nữ giảm được từ 7,7 kg trở lên trong vòng 6 tháng thì số lần rò rỉ nước tiểu sẽ giảm 50%. Trong khi đó, những người giảm được 1,5 kg thì số lần rò rỉ nước tiểu giảm 28%./.