TS. Sarah Mamiese, Giám đốc điều hành Trung tâm đào tạo của Cơ quan phát triển Pháp (Campus AFD) đánh giá, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về Đổi mới sáng tạo trong số các quốc gia thu nhập trung bình, với tốc độ tiến bộ đáng kinh ngạc. Điều này thể hiện rõ qua thứ bậc ngày càng tăng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng về Đổi mới sáng tạo.
Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2024 cho thấy, Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia và nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Đáng chú ý, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số về nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Theo bà Sarah Mamiese, Việt Nam sở hữu tiềm năng to lớn để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và cạnh tranh trên thị trường công nghệ cao toàn cầu.
“Những nỗ lực đang được đền đáp và Việt Nam đang khẳng định mình là một trong những quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo. Việt Nam đứng thứ hai về Chỉ số Đổi mới sáng tạo trong số 38 quốc gia có thu nhập trung bình. Có thể nói, công cuộc Đổi mới đã đưa đất nước vào quỹ đạo tăng trưởng. Kể từ năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã coi phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới là một chính sách lớn của quốc gia và kể từ đó rất nhiều đột phá chiến lược đã được ghi nhận”, bà Sarah Mamiese nói.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Những năm qua, Việt Nam đã cho thấy nỗ lực rất lớn ở tất cả các cấp, ngành, địa phương để xây dựng khuôn khổ thể chế, cũng như thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Trong số này phải kể đến Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia hay Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập năm 2019. Việt Nam cũng đặt mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ Đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn,
Tuy nhiên, trong công cuộc Đổi mới sáng tạo, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa nên chưa đổi mới mạnh về tư duy để bắt kịp xu hướng về công nghệ. Việc ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp, kể cả trong lĩnh vực chế tạo, dịch vụ ở Việt Nam còn hạn chế…
Sáng chế của Việt Nam đang ở mức trung bình so với các nước có cùng thu nhập. Việc dung hoà phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường cũng đặt ra thách thức không hề nhỏ. Do đó, theo bà Sarah Mamiese, việc tiến hành hoạt động nghiên cứu thực tế theo hướng tiếp cận đổi mới để tìm ra các giải pháp thực sự hiệu quả, tránh bẫy đổi mới và làm chủ đổi mới vì một tương lai tốt đẹp là hết sức cần thiết:
“Một thách thức lớn không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt trong quá trình phát triển. Đó là làm thế nào để dung hoà giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu các quốc gia đã làm đủ để đảm bảo tăng trưởng xanh hay chưa. Liệu chúng ta có đủ tự tin để nói rằng chúng ta sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng thành công dựa trên Đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường. Liệu chúng ta có đạt được mục tiêu này hay không và Đổi mới liệu có phải là nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng hay không. Đây là một vấn đề rất hay, đặt ra những câu hỏi mang tính hệ thống về ý nghĩa thực sự của Đổi mới và nhưng tác động đối với môi trường và xã hội”, theo bà Sarah Mamiese.